Nhập khẩu
chính hãng 100%

Cố vấn chuyên môn
từ bác sỹ chuyên khoa

Ship COD toàn quốc
thanh toán khi nhận hàng

Bảo hành nhanh chóng
1 đổi 1 vòng 7 ngày

Tin tức

Hít thở sâu bị đau tim có nguy hiểm không?

Khi hít thở sâu mà có cảm giác đau nhói ở ngực và bạn thắc mắc rằng đây có phải là dấu hiệu nguy hiểm hay không? Nếu chỉ dựa vào dấu hiệu này để đánh giá mức độ nguy hiểm thì chưa thật rõ ràng vì còn cần nhiều yếu tố khác để khẳng định. Để biết được tình trạng này có nguy hiểm hay không, mời quý bạn đọc tìm hiểu bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân gây đau ngực khi hít thở sâu

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng viêm bên trong nhu mô phổi bao gồm phế nang, các mô liên kết và đường dẫn khí trong phổi. Viêm phổi thường do vi sinh vật như vi khuẩn, virus và nấm gây nên. Triệu chứng hít vào sâu bị đau ngực là do các phế nang đang bị viêm trở nên nhạy cảm, khi ta hít vào, các phế nang lành bên cạnh căng to và chèn ép vào chúng gây đau. Ngoài đau ngực khi hít sâu thì bệnh nhân còn có triệu chứng sốt cao, ho nhiều, ho có đờm, đôi khi là ho ra máu,  mệt mỏi và có thể khó thở nếu tình trạng bệnh nặng.

Viêm phổi là bệnh của đường hô hấp nên những dấu hiệu chính là thuộc về đường hô hấp là triệu chứng ho, thường là ho dai dẳng kéo dài kèm theo đờm bất thường như trắng đục, vàng, xanh. Bệnh viêm phổi thường gây tổn thương tới những người có hệ miễn dịch kém như người già và trẻ em, những người điều trị thuốc ức chế miễn dịch, những người thường xuyên phải nằm, ít vận động cũng nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Nếu có biểu hiện đau ngực khi hít thở sâu kèm theo những triệu chứng của bệnh viêm phổi thì nên thăm khám bác sĩ. Việc điều trị bệnh cũng phụ thuộc vào chẩn đoán bệnh và nguyên nhân gây nên. 

Viêm màng phổi

Phổi có một lớp màng mỏng bao bọc nhằm bảo vệ phần bên ngoài. Nó là phần ngăn cách giữa nhu mô phổi và thành ngực. Khi màng phổi bị viêm do một nguyên nhân nào đó cũng có thể gây đau ngực khi hít thở sâu. Điều này xảy ra là do những lá màng phổi rất mỏng có 2 lớp, 1 lớp dính vào thành ngực, 1 lớp dính vào nhu mô phổi, sự vận động của lồng ngực và phổi trong khi hít thở làm các lá màng phổi di động và cọ xát vào nhau, mà khi màng phổi viêm dễ bị đau khi kích thích. Vì vậy màng khi viêm màng phổi, bạn sẽ có cảm giác đau ngực khi hít thở sâu.

Màng phổi cách biệt hoàn toàn với bên ngoài nên thường nguyên nhân gây viêm từ nói khác đến hoặc do tổn thương thành ngực. Tổn thương màng phổi hay gặp nhất là lao màng phổi, khi đó, vi khuẩn lao di chuyển từ phổi vào máu và tới gây viêm màng phổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm khi ngủ, ho dai dẳng kéo dài, sút cân nhanh. Bệnh thường lây từ người này sang người khác, người bị suy giảm miễn dịch, lối sống không lành mạnh thường dễ mắc bệnh hơn. 

Việc chẩn đoán cần tới bác sĩ và các xét nghiệm, điều trị theo phác đồ của bộ y tế quy định. Ngoài lao, có thể viêm màng phổi do những vi khuẩn đơn thuần gây ra. Khi đó, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt, đau ngực, mệt mỏi. 

>>> Hãy sử dụng máy trợ thở tại nhà để điều trị làm giảm tình trạng bệnh của mình nhé!
 

Viêm sụn sườn

Giữa xương ức và xương sườn được kết nối với nhau bởi phần sụn sườn. Khi phần sụn sườn này bị viêm gây nên đau nhói quanh xương ức, sau đó cơn đau này lan ra phía sau và trở nên nặng nề hơn khi hít thở sâu. Bệnh xảy ra do chấn thương ngực hoặc nhiễm trùng hô hấp gây nên. 

Bệnh thường tự lành, nếu bệnh trở nên nặng nề, khó chịu, cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hợp lý. 

Tràn khí màng phổi

Vì một nguyên nhân nào đó mà nhu mô phổi bị tổn thương làm thủng màng phổi, luồng không khí trong phổi đi vào giữa hai lá màng phổi tạo thành một khoang chèn ép vào phổi.

Khi đó, bệnh nhân sẽ rất đau và khó thở, nhất là khi hít thở mạnh. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do sau một chấn thương ngực, mảnh xương gãy chọc thủng phổi; do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; lao phổi,…

Viêm màng ngoài tim 

Tim được bao bọc bởi một lớp màng ngoài tim để ngăn cách với cơ quan khác, đồng thời làm giảm ma sát khi tim chuyển động. Khi có một yếu tố nào đấy gây viêm màng ngoài tim làm cho người bệnh: virus, chấn thương, bệnh tự miễn, một số loại thuốc.

 Bệnh nhân thường có đau ngực và đau nhói khi hít thở sâu, đỡ hơn khi ngồi thẳng và nghiêng về trước. Ngoài đau ngực, viêm màng ngoài tim còn có triệu chứng sốt, khó thở, chóng mặt, choáng váng, nhịp tim không đều, trống ngực. Viêm màng ngoài tim cần được đưa tới các cơ sở chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị thích hợp. 

Chấn thương ngực

Do một tai nạn nào đó gây nên chấn thương ngực với nhiều mức độ tổn thương khác nhau: tổn thương phần mềm gồm cơ bắp, ngoài da; gãy hoặc rạn xương sườn; tổn thương phổi và màng phổi. Với mỗi tổn thương thì mức độ nguy hiểm và tình trạng đau là khác nhau nhưng chúng đều gây đau ngực và đau nhiều khi hít thở mạnh. Với một chấn thương ngực có thể chỉ có bầm tím và đau nhưng đôi khi còn có cả tình trạng khó thở, rối loạn nhịp tim,… 

Khi chấn thương ngực nếu tình trạng nhẹ thì chỉ cần rửa vết thương và nghỉ ngơi tại nhà, tuy nhiên với những trường hợp nặng, bệnh nhân cần được đưa tới viện thăm khám và kiểm tra toàn diện tổn thương từ đó có hướng xử trí hiệu quả. Một tổn thương nhẹ ít gây nguy hiểm nhưng nếu nặng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. 

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh xảy ra thường xuyên với nhiều người nhưng không được chú ý nhiều. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị dạ dày có độ pH thấp bị trào ngược lên thực quản do van dạ dày không được đóng kín trong quá trình co bóp nhào trộn thức ăn. Chất dịch dạ dày có tính acid mạnh làm hư hại niêm mạc thực quản và gây đau rát cho người bệnh. Người bệnh sẽ có cảm giác đau nóng dọc xương ức, đau nhiều hơn khi hít thở sâu. Triệu chứng này dễ làm người bệnh nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh tim mạch. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên và có tiền sử viêm dạ dày thì nên đi gặp bác sĩ nội tiêu hoá để được chăm sóc tốt nhất. 
 

Chẩn đoán tình trạng hít thở sâu bị đau ngực

Do có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nên để chẩn đoán bệnh không phải là điều dễ dàng. Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ thường hỏi về triệu chứng đau ngực và các dấu hiệu liên quan khác, thăm khám toàn thân cũng như vùng ngực để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Kèm theo đó, bác sĩ có chỉ định những xét nghiệm để tìm hiểu bệnh như:

  • Chụp X quang ngực: là phương pháp đơn giản, nhanh chóng để tìm những tổn thương trên xương và trên phổi, màng phổi. Là một xét nghiệm đơn giản nhưng kiểu tra được nhiều yếu tố bệnh nên được đưa ra đầu tiên khi thăm khám. 
  • Chụp cắt lớp vi tính CT scan: là phương pháp tân tiến hơn chụp X quang, cũng tốn kém hơn. Do đó, việc chụp CT scan chỉ dùng khi trên phim X quang có nghi ngờ hoặc trong quá trình thăm khám thấy dấu hiệu bất thường cần chi tiết hơn để chẩn đoán. Chụp CT scan hiện nay cũng rất phổ biến và giúp bác sĩ rất nhiều trong chẩn đoán bệnh. 
  • Đo chức năng thông khí: là một xét nghiệm kiểm tra sức khoẻ hô hấp cũng như độ thông thoáng của đường thở từ mũi họng vào tới phổi. Thường được sử dụng để chẩn đoán hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 
  • Đo điện tâm đồ: nhằm phát hiện các dấu hiệu bệnh lý trên tim. Điện tâm đồ là phương pháp hữu hiệu xác định cơ bản những bệnh lý loạn nhịp, suy tim, nhồi máu cơ tim. 
  • Đo độ bão hoà oxy máu: xác định xem người bệnh có bị suy hô hấp không. 

Cần làm gì khi hít thở sâu bị đau ngực?

Việc hít thở sâu bị đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, do đó, việc điều trị cũng phức tạp vì cần chẩn đoán đúng nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu vấn đề rõ ràng và không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau nhằm giảm đau:

  • Các thuốc giảm đau không steroid là những thuốc phổ biến trong điều trị đau gồm paracetamol, diclofenac,… có tác dụng giảm đau nhanh và mạnh. Trường hợp chấn thương nhẹ có thể sử dụng để giảm đau. Hạn chế là có thể gây nguy hại cho dạ dày nên những người có tiền sử hoặc đang điều trị viêm, loét dạ dày cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. 
  • Thuốc giảm ho: có thể làm giảm triệu chứng ho. 
  • Thuốc giảm tiết dịch vị: là một nhóm thuốc ức chế sản xuất dịch vị có hiệu quả trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Dùng trước khi ngủ sẽ làm người bệnh cảm giác thoải mái, không đau nóng. 

Tình trạng đau ngực khi hít thở sâu có thể rất đơn giản nhưng có thể cũng rất phức tạp do đó việc điều trị không nên chủ quan và lạm dụng thuốc giảm đau. Nếu có biểu hiện khác thường kèm theo thì cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán. 

Trên đây mang tới thông tin cho bạn về tình trạng hít thở sâu bị đau ngực. Hi vọng mang đến cho bạn những điều bổ ích và hãy duy trì lối sống lành mạnh, khoa học, tới gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường. 

Call Zalo Messenger